Danh mục

Nghệ thuật vòi tiền

Lượt xem: 1088 | 19/06/2019

Năm tôi tốt nghiệp xong lớp 12, chị gái cho mượn chiếc xe Cub 50cc cũ phục vụ việc đi lại ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi đại học tuốt trong Hà Đông (Hà Nội). Một trưa nắng hè gay gắt nóng, tôi dừng đèn đỏ tại ngã tư Nguyễn Thái Học, trơ trọi. Anh cảnh sát giao thông nước da đen sạm bước từ trong chốt gác lững thững ra tắt khóa điện mời tôi vào kiểm tra. Tim đập loạn nhịp, mặt nóng lựng vì sợ hãi, líu ríu dắt xe lên vỉa hè.

Tôi không mang theo đăng ký xe, bằng lái thì không bắt buộc đối với người trên 16 tuổi điều khiển phương tiện dưới 50 phân khối. Anh cảnh sát thông báo không mang theo giấy đăng ký là hiển nhiên vi phạm luật giao thông. Tôi không biết nói gì, lấn cấn vân vê vạt áo. “Đấy, lỗi vi phạm đấy, xem thế nào đi chứ?”.

Lần đầu tiên tôi đón nhận thông điệp đầy gợi mở này. Trong người chỉ có 10.000 đồng, dư một bao thuốc lá nhưng không đủ mong muốn “thế nào đi chứ” là 50.000 đồng. Anh CSGT gật gù nghe tôi trình bày, đồng ý với phương án cho đi xe về nhà lấy tiền và hẹn gặp tại quán café đầu phố giải quyết “xử phạt”.

Tôi để lại tấm giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH tạm thời có đóng dấu đỏ chót dành cho việc đi dự thi đại học để làm tin. Nhà trường thời ấy rất cẩn thận in cho mỗi học sinh ra trường 5 tờ như vậy để đề phòng tuổi học trò đuyểnh đoảng ham chơi mà đánh rơi. Tôi đã lỗi hẹn với anh cảnh sát “thế nào đi chứ”. Cho đến bây giờ mỗi lần đi qua ngã tư này tôi vẫn bật cười với kỷ niệm cũ kỹ hơn hai mươi năm trước.

Mấy chục năm trôi qua, đất nước đã có rất nhiều thay đổi. Cùng với việc mỗi người có một cái điện thoại thông minh, nhiều nguyên tắc giao tiếp giữa cán bộ hành pháp với người dân đã phải điều chỉnh. Nhưng có một thứ dường như không thay đổi. Đó là câu “xem thế nào đi chứ” của cán bộ hành pháp và những câu có sắc thái tương đương. “Xem thế nào đi chứ” gần như đã là một thành ngữ của tiếng Việt, xứng đáng xuất hiện trong từ điển.

Có dạo tôi thuê cửa hàng trên phố cổ, được vài tháng thì vỉa hè bắt đầu bị đào bới lên để thi công các hạng mục điện nước. Đại khái mọi thứ lanh tanh bành đất và rãnh sâu cả tuần,  một vài hộ được san lấp trước. Tôi gặp riêng một anh đốc công nhóm thợ đào đường hỏi han, anh ta mỉm cười bảo “Muốn làm trước thì anh cứ xem thế nào anh em thấy thoải mái…”. Thông điệp như thể của Aladdin để mở toang mọi cửa hang thần kỳ. Quả thật sau khi “như thế nào”, ngay hôm sau vỉa hè phía trước cửa hàng tôi gọn gàng đi lại thuận tiện cho cả chủ lẫn khách.

Tôi đã có lần viết bài “Quyền lực của cây chổi” cũng đăng trên mục Góc Nhìn nói về những câu chuyện “như thế nào đi chứ”. Một cây chổi quét dọn đường phố cũng có thể nhẹ tay từng nhát quét để bớt bụi bay vào hàng quán kinh doanh mặt đường nếu biết trả lời câu hỏi “như thế nào”. Rất nhỏ thôi, chúng ta đã và đang sống quen thuộc trong thứ văn hóa “biết điều” trước gợi ý chung chi bằng mẫu câu thật giản dị, xem thế nào đi chứ.

Bữa trưa hôm nay chúng tôi ngồi cùng một CEO tập đoàn lớn về nông nghiệp. Ông có nói về câu chuyện một đoàn thanh tra bộ đang bị tạm giữ với nghi án đòi chung chi hàng chục tỷ của doanh nghiệp có biểu hiện sai phạm. Ông tâm đắc rằng sự phản kháng của doanh nghiệp là việc rất nên làm. Để những “thế lực” ngầm hiểu rằng không thể tự tung hoành, đe nẹt và cần loại bỏ hành động “dưới gầm bàn” kiểu này. Không ít doanh nghiệp chấp nhận chung chi và đưa cả danh mục chi phí “rủi ro” này trong các dự án được đội vốn lên bằng nhiều hình thức khác nhau.

Sẽ có nhiều người nói rằng nếu ai cũng làm đúng thì chẳng việc gì phải sợ. Nhưng trong một cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền, trong người dân sẽ luôn có cảm giác về sự yếu thế (vì đúng là nhà nước nắm nhiều quyền lực hơn). Họ sẽ không bao giờ hiểu luật bằng những người ăn lương chuyên nghiệp để nắm luật. Họ sẽ không thể tưởng tượng ra những viễn cảnh khốn khổ gì có thể chờ đợi mình nếu làm trái ý “nhà cầm quyền”, đòi cãi lý, đòi hành xử đúng nguyên tắc. Và tất nhiên họ sợ vì nhiều lúc họ cũng có cái sai. Và khi đó, câu “xem thế nào đi chứ” trở thành cánh cửa thần kỳ giải quyết vấn đề tâm lý, tạo ra một lựa chọn dễ dàng. Trong cơn lo lắng, người ta hiển nhiên sẽ lựa chọn biện pháp được gợi ý ngay trước mắt.

Đằng sau cái sự “xem thế nào” có cả một cuộc trấn áp tâm lý đã được xây dựng lên thành một nghệ thuật giao tiếp. Bằng cách nào đó, nghệ thuật này được thừa kế và phát triển qua nhiều thế hệ công chức, với đủ mọi biến thể của câu “xem thế nào”. Trong các kịch bản này, từ việc lựa chọn đối tượng dễ trấn áp tâm lý – như cậu bé líu ríu chẳng biết gì về luật năm xưa – cho đến phương thức giao nhận, đều đã được tính toán kỹ lưỡng đến mức thành nếu in ra có thể thành bộ sách dày. Vì mục tiêu của họ khi thanh, kiểm tra, là tiền, chứ không phải là thanh, kiểm tra.

Nghệ thuật vòi tiền đã được xây dựng và bồi đắp hàng chục năm. Nhưng ở phía còn lại, nghệ thuật chống vòi tiền thì chưa bao giờ thấy truyền tụng. Người dân cũng dễ tặc lưỡi thậm chí hoan hỉ ngay khi nghe thấy câu “xem thế nào”. Vị CEO ăn trưa với tôi, mấy mươi năm lăn lộn trên thương trường, cũng cảm thấy tâm đắc với việc doanh nghiệp địa phương “dám” đứng lên tố cáo một đoàn thanh tra từ trung ương về, đủ để biết rằng văn hóa này thiếu những tiền lệ thay đổi thế nào.

Thỏa hiệp với cái sai luôn là lựa chọn dễ dàng. Nhưng thật ra, khi cán bộ hỏi “xem thế nào đi chứ”, họ đã có dấu hiệu của tội phạm. Và người dân có thể “xem thế nào” theo nhiều cách, bao gồm cả việc tố giác tội phạm, chứ không chỉ là rút ngay tiền ra và trở thành đồng lõa.

Nguồn : Nhà báo Hoàng Minh Trí


1
Bạn cần hỗ trợ?
0976364565
0987 862 085